...

Giải Pháp Nào Cho Bến Bạch Đằng – Câu Hỏi Còn Bỏ Ngỏ

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ký quyết định phê duyệt đốn bỏ 146 cây bóng mát và di dời 32 cây xanh trong dự án cải tạo công viên Bến Bạch Đằng trước sự ngỡ ngàng của đại bộ phận người dân Sài Gòn. Còn nhớ cách đây 4 năm, một quyết định tương tự cũng từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối là việc đốn hạ 143 cây xanh, di dời 258 cây được Sở GTVT TP Hồ Chí Minh thông qua cho dự án Cầu Thủ Thiêm 2.

Bến Bạch Đằng tháng 2/2021 – Ảnh: VN Express

Các loại cây xanh lâu năm mất rất nhiều thời gian sinh trưởng đã gắn bó với đô thị, chống chọi lại cái nắng và thời tiết oi bức như sọ khỉ, lim sét đã bị đốn hạ hoàn toàn trong sự tiếc nuối vô vàn của người dân. Những tưởng tình trạng này sẽ được cải thiện cùng với sự phối hợp đồng bộ và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn thì mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hồ chí Minh vừa thông qua đề xuất cải tạo công viên tại bến Bạch Đằng, trong đó có việc đốn bỏ, di dời 178 cây xanh hiện hữu tiếp tục gây ra làn sóng tranh cãi.

Hàng cây xanh lâu năm mang nhiều ký ức và giá trị trên đường Tôn Đức Thắng

Có thể thấy, việc bảo dưỡng một cây xanh lâu năm cho đô thị hay thay mới hoàn toàn chắc chắn là bài toán cần có tiếng nói của các nhà phân tích chuyên môn nghiên cứu, “mổ xẻ”. Dẫu biết công tác giải phóng mặt bằng là điều tất yếu trong các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị nhưng việc đốn hạ các cây xanh lâu năm sẽ gây lãng phí thời gian và tiền bạc, cũng như ảnh hưởng không ít đến bộ mặt cây xanh hiện có tại công viên Bến Bạch Đằng. Theo số liệu thống kê, tỉ lệ che phủ trong khu vực nội thành TPHCM hiện đang chỉ ở mức 3.9% và tỉ lệ diện tích cây xanh trên đầu người chỉ đang ở mức 1,95m2/người, rất thấp so với mức 20-25m2/người ở các đô thị tiêu chuẩn. Không khó để nhận thấy độ phủ xanh đô thị của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng đang ở mức độ rất thấp và không đồng đều.

Trước thực trạng này, KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền – Phó chủ tịch Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam, Tổng giám đốc Công Ty CP Dịch Vụ Giải Pháp cảnh Quan LSS đã có vài lời chia sẻ quan điểm của mình:

Ông Nguyễn Thái Thuật Hiền

PV: Chào anh, theo anh Bến Bạch Đằng nói chung và cây xanh khu vực này nói riêng có ý nghĩa lịch sử và văn hóa như thế nào đối với TP Hồ Chí Minh?

KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền: Cây xanh trên các đai lộ đặc trưng đã trở thành một biểu tượng cho văn hóa, cuộc sống và du lịch của đa phần các quốc gia châu Âu. Bến Bạch Đằng cũng được xem là một trong những địa điểm lịch sử gắn liền với Sài Gòn khi được ví như “hành lang đi bộ” những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Hầu hết nam thanh nữ tú của Sài Gòn xưa đều tập trung vui chơi, ăn uống, bát phố, mua sắm tại khu vực này. Còn hệ thống cây xanh thì đã có từ trước đó rất lâu, cho đến thời điểm này, đa phần cây lớn đều đã trải qua tuổi đời hơn 60 năm, trở thành hình ảnh quen thuộc với bền tàu Bạch Đằng mang đậm tính lịch sử và văn hóa.

Một góc Bến Bạch Đằng trước Majestic Hotel khi xưa

PV: Là một chuyên gia về Cảnh quan, anh cảm thấy như thế nào về kế hoạch thay thế cây mới cho Bến Bạch Đằng?

KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền: Đối với tôi, quan trọng là tính chất cần thiết và cấp thiết của một phương án, nó phải nêu bật được lý do cho các giải pháp được chọn, ưu nhược điểm qua các số liệu phân tích cụ thể, từ đó diễn giải được những tiềm năng phát triển nào cho khu vực nói chung và TPHCM nói riêng, cũng như những khó khăn sẽ phát sinh trong suốt quá trình tiến hành dự án chứ chứ không còn đơn thuần là bài toán về chi phí. Cho đến thời điểm này, khi việc đốn hạ 146 cây đã được thông qua thì người dân thành phố nói chung và các chuyên gia nói riêng vẫn chưa nhận được bất kỳ một kế hoạch hay lộ trình cụ thể nào cho việc thay thế này? Chưa kể một địa danh gắn liền với hình ảnh văn hóa và lịch sử như bến Bạch Đằng rất cần ý kiến của các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, không chỉ về quy hoạch, kiến trúc cảnh quan mà còn là địa lý, kinh tế xã hội và văn hóa.

PV: Nhưng hiện tại Bến Bạch Đằng đã thực sự xuống cấp, anh có nghĩ đây chính là lý do cho công tác thay thế cây?

KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền:  Việc xuống cấp và hư hại là điều hiển nhiên phải xảy ra khi Bến Bạch Đằng đã trải qua một lịch sử tồn tại lâu đời. Các vấn đề này đều bắt nguồn từ phần cứng như hệ thống gạch lát, kỹ thuật hạ tầng, hố ga, cũng như những vấn đề về quản lý và vệ sinh an toàn. Bên cạnh đó, hệ sinh thái tại đây khá “hoang hóa” khi chưa nhận được sự quan tâm đúng mực trong công tác bảo dưỡng và chăm sóc. Nhưng xét cho cùng tất cả đều không thể là nguyên nhân thỏa đáng cho việc đốn hạ trong các yếu tố cảnh quan mềm – tức cây xanh vì chúng gần như không gây trở ngại hay nguy hiểm gì cho người dân. Như tôi đã đề cập, chúng ta phải giải quyết ngay từ vấn đề chăm sóc bảo dưỡng, nếu không thì cho dù có trồng mới toàn bộ cũng không thể nào quản lý tốt hệ thống cây xanh, và chắn chắn trong tương lai gần sẽ dẫn đến một thực trạng “hoang hóa” trở lại.

Tình trạng một góc Bến Bạch Đằng hiện tại. Ảnh: Infonet

PV: Theo kinh nghiệm của anh, một cây vừa trồng tốn bao nhiêu thời gian để đạt được mật độ độ phủ mát phù hợp với công viên? Và nó có hợp lý hơn việc giữ một cây lâu năm nếu lại xét về mặt chi phí?

KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền: Để đạt được độ phủ xanh như hiện tại thì phụ thuộc vào việc trồng cây nào, mức độ trưởng thành ra làm sao. Tất nhiên như trên tôi đã nói không thể cứ lấy 1 loạt cây xanh đắp vào là xong chuyện. Còn xét về chi phí, nó thật sự không quan trọng bằng chuyện giữ cây đó sẽ mang lại những lợi ích gì cho hiện tại và tương lai. Những cây lâu năm và có nguồn gốc gắn liền với lịch sử như tại bến Bạch Đằng chính là bộ mặt đô thị, hình ảnh đặc trưng của khu vực nói riêng và của TPHCM nói chung. Cây xanh ở Bến Bạch Đằng liên quan đến lịch sử, văn hóa, là hiện thân cốt cách con người Sài Thành nên không thể muốn thay là thay được. Nếu mọi hệ sinh thái đều có thể giải quyết bằng cách thay thế thì đã con người đã không có 2 từ bảo tồn và phát huy. Nói cách khác, ta phải đứng giữa việc bảo tồn cây – gìn giữ bộ mặt đô thị, duy trì lá phổi xanh trong vòng 20 năm tới, hay phải chờ 20 năm nữa mới gầy dựng lại cái xanh đô thị đã mất đi? Lý do vì sao ta phải chờ, trong khi ta đang sở hữu những điều giá trị như thế? Thật sự mà nói, có rất nhiều giải pháp thiết kế để có thể gìn giữ được hệ thống cây xanh hiện nay mà ta có thể học tập ở nước bạn. Vấn đề ở đây là quyết liệt tới đâu.

PV: Như anh nói thì việc đứng giữa bảo tồn hay thay mới cây xanh dường như không phải là vấn đề của riêng nước ta?

KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền: Đúng như vậy, đất nước nào cũng phải đau đầu khi đối mặt với các vấn đề cây xanh, nhưng họ đã chọn việc gìn giữ, đặc biệt là các cây lâu năm, và điều đó đã trở thành ý thức và trách nhiệm của tất cả mọi người. Một ví dụ ở Châu Âu, năm 2015 vấn đề đốn hạ cây xanh lâu năm đã gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt tại Pháp khi chính phủ cho rằng cây xanh gây cản trở tầm nhìn, gây tai nạn giao thông nhưng cùng lúc đóm hàng ngàn người dân đã thống nhất ký vào 1 thỉnh nguyện yêu cầu chính phủ từ bỏ kế hoạch này. Chính nhờ vậy, những hàng cây dọc các con đường đại lộ vẫn rợp bóng, góp phần tạo nên nét lịch sử – văn hóa – du lịch đặc trưng cho đất nước này.

Hình ảnh Paris – Pháp với những đại lộ phủ xanh đã trở thành thương hiệu

Quay lại Việt Nam, gần đây nhất là vấn đề đốn bỏ một loạt cây phượng nói riêng và cây lâu năm nói chung vào mùa mưa bão cũng gây nên làn sóng phản đối không hồi kết, đến tận bây giờ vẫn có rất nhiều cá nhân, tập thể tiếp tục nghiên cứu giải quyết vấn đề này. Tất nhiên những cây đã quá già cỗi và không thể trụ được trong tương lai gần, có thể gây nguy hiểm cho người dân vẫn cần dỡ bỏ, còn lại thì vẫn có rất nhiều các phương án cải tạo, bảo tồn hoặc di dời, từ việc áp dụng máy đo độ nông sâu của rễ cây, sử dụng các giá đỡ cây chuyên dụng đến dùng dây kích thẳng cây trồng,… được các chuyên gia đưa ra. Tại thời điểm đó mọi thứ đang quá cấp bách, ta không đủ thời gian trong việc kiểm nghiệm các giải pháp, đưa vào thực tế và áp dụng rộng rãi. Nhưng hôm nay, giới chuyên môn đã làm được gì cho một Bến Bạch Đằng đang gắn liền trong ký ức người dân mấy chục năm qua, đứng trước nguy cơ cả trăm cây xanh bị đốn hạ trong khi thời gian dành cho dự án này hoàn toàn không hề thiếu? Chẳng lẽ chúng ta không thể rút ra bài học và kinh nghiệm nào mới khi “đối xử” với cây xanh đô thị hay sao?

Bài học nào rút ra cho việc hàng loạt cây Phượng bị đốn hạ mùa mưa bão?

PV: Cuối cùng, anh có mong muốn gì cho dự án cải tạo Bến Bạch Đằng sắp tới?

KTS Nguyễn Thái Thuật Hiền: Là một người làm nghề Cảnh quan, tôi rất mong thành phố tổ chức trưng cầu ý kiến của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực cũng như người dân để xác định và lựa chọn giải pháp tối ưu nhất. Cải tạo một địa điểm lịch sử, văn hóa không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, thiết nghĩ chúng ta cần thêm thời gian để đưa ra những quyết định mà không làm ảnh hưởng đến tương lai lâu dài, trong đó bao gồm xem xét lại thiết kế và chọn các phương án khả thi cho bộ mặt lịch sử đô thị. Và một lần nữa tôi có thể khẳng định, chúng ta còn rất nhiều các giải pháp khác cho việc cải tạo Bến Bạch Đằng mà không cần phải đốn hạ hàng trăm cây xanh. Quan trọng người quản lý có sẵn lòng giữ lại những giá trị này hay không mà thôi.

PV: Rất cảm ơn những chia sẻ của anh, mong anh cũng như Chi hội KTS Cảnh quan Việt Nam tiếp tục góp tiếng nói của mình cho các vấn đề cảnh quan đô thị nói riêng và kiến trúc cảnh quan nói chung trong thời gian sắp tới.

___Theo Kienviet.net___