...

Đổi Mới Phương Pháp Quy Hoạch

Đổi mới phương pháp quy hoạch ở nước ta để đảm bảo phát triển bền vững trong cơ chế thị trường và toàn cầu hóa.

Ở nước ta hiện nay là cơ chế “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” với quá trình hội nhập toàn cầu, hệ thống kinh tế này trở nên hỗn hợp. Tuy nhiên vẫn sử dụng phương pháp quy hoạch truyền thống, vẫn kế thừa từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung nên còn nhiều tồn tại như: Sản phẩm quy hoạch bị lạc hậu trước những sự thay đổi liên tục và nhanh chóng của thực tiễn. Cách tiếp cận còn nặng từ trên xuống, mang tính áp đặt, thiếu linh hoạt và hạn chế khả năng phát huy mọi nguồn lực trong xã hội. Sự phối hợp đa ngành trong quá trình lập quy hoạch còn rất hạn chế dẫn tới sự chồng chéo giữa các loại quy hoạch, tụt hậu về phương pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa. Có thể nói “mạnh ai nấy làm” nên “khập khễnh” không thể phát triển bền vững.

QUY HOẠCH CHIẾN LƯỢC HỢP NHẤT

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT), “Chính phủ đang giao Bộ chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch. Bộ KH-ĐT đang tiến hành bước triển khai đầu tiên. Bộ KH-ĐT cũng là cơ quan độc lập có thể thẩm định quy hoạch nên khi soạn luật, sẽ đưa một phương án là để Bộ đứng ra làm cơ quan đầu mối thẩm định liên kết các loại quy hoạch, tránh chồng chéo, dàn trải lãng phí. Bộ đang là đầu mối tham mưu Chính phủ hoạch định, phân bố vốn nên đủ khả năng xem chúng ta có đủ nguồn lực thực hiện tổng thể các quy hoạch đã được duyệt hay không” (Báo Tuổi Trẻ ngày 20/2/2012).

Các điều nêu trên chính là cơ sở để đưa phương pháp “Quy hoạch chiến lược hợp nhất” (ra đời từ thập niên 1990 trong thời kỳ toàn cầu hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững) vào Luật Quy hoạch đang soạn thảo.

Quy hoạch chiến lược hợp nhất là hợp nhất các quy hoạch: kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị để tìm vùng chung/tiếng nói chung đảm bảo yêu cầu công bằng, sống tốt và tính bền vững. Trên cơ sở vùng chung, tiếng nói chung cần điều chỉnh các bản quy hoạch chuyên ngành cho phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi quy hoạch lại có nhiều chiến lược, mỗi chiến lược lại có nhiều dự án, chương trình, mỗi dự án, chương trình có thể có nhu cầu về không gian. Đó chính là đầu vào của quy hoạch đô thị đã được điều chỉnh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên quy hoạch chiến lược hợp nhất không thay thế được các bản quy hoạch kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và quy hoạch đô thị, đúng hơn là quy hoạch chiến lược như một cái dù bao trùm lên các loại quy hoạch nêu trên. Do vậy cần giao cho một đơn vị đứng ra làm đầu mối hợp nhất các bản quy hoạch cả ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố.

Quy hoạch chiến lược là sự hợp tác về mặt tổ chức giữa Nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp theo phương pháp quy hoạch có sự tham gia. Điều đó là sức mạnh để huy động các nguồn lực và phối hợp hành động trên diện rộng, là công cụ quản lý của chính quyền, cho nên sẽ thay đổi từ quan niệm “lập quy hoạch thành phố” sang “thành phố lập quy hoạch”.

QUY HOẠCH ĐÔ THỊ HIỆN ĐẠI HAY HẬU HIỆN ĐẠI?

Ở nước ta về quy hoạch đô thị từ sau 1954 tới nay (theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009) vẫn sử dụng theo phương pháp quy hoạch của Liên Xô cũ, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của quy hoạch chức năng do Le Corbusier đề xướng từ 1933 vào thời kỳ công nghiệp, hay còn được gọi là quy hoạch tổng thể, quy hoạch đô thị hiện đại và quy hoạch đô thị truyền thống. Đó là quy hoạch phân khu chức năng kiểu hình học cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không thích ứng với cơ chế thị trường, toàn cầu hóa với hàng trăm hàng ngàn các dự án của các nhà đầu tư tư nhân và cá nhân mà trong đó sự điều tiết của Nhà nước rất hạn chế.

Thời kỳ hiện nay là thời kỳ hậu công nghiệp – thông tin và lập trình – toàn cầu hóa thì không thể sử dụng mãi phương pháp quy hoạch đô thị hiện đại mà chuyển sang sử dụng phương pháp quy hoạch đô thị hậu hiện đại.

Quy hoạch đô thị hậu hiện đại ngoài việc phân khu chức năng linh hoạt, hợp lý còn được quyết định nhiều hơn bởi các đại lượng như vị trí địa hình, sự liên hệ giữa cảnh quan và nước, các di sản kiến trúc cần bảo tồn v.v.. Cần linh hoạt hợp nhất giữa khu ở, khu làm việc và dịch vụ công cộng để giảm ách tắc giao thông, tạo ra một cơ cấu đô thị hợp lý, nhất là trong quy hoạch tái tạo hoặc tái đô thị hóa các khu đô thị cũ. Một thành phố sinh động phải là một bản liên hợp. Quy hoạch đô thị hậu hiện đại chứa đựng nhu cầu về không gian của các bản quy hoạch: kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và cơ sở hạ tầng trong sự hợp nhất hài hòa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững theo phương pháp quy hoạch chiến lược hợp nhất.

Để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng trong cơ chế thị trường và toàn cầu hóa còn cần chú ý một số vần đề:

– Cần có một sản phẩm quy hoạch duy nhất bao gồm cả quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) và quy hoạch xây dựng chi tiết trong đó có có phần SDĐ. Hiện nay tồn tại 2 loại quy hoạch có giá trị như nhau là quy hoạch SDĐ (do ngành TN-MT lập) và quy hoạch xây dựng chi tiết (do ngành xây dựng lập). Trong quá trình triển khai thực hiện, 2 loại quy hoạch này thường có những điểm khác nhau gây khó khăn trong việc lựa chọn loại quy hoạch làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ và nhiều khi gây ra những khiếu nại của dân.

– Cần kết hợp giữa quy hoạch theo quy chế và quy hoạch theo dự án, đưa khái niệm dự án vào trong các quy định. Chính dự án giúp điều chỉnh quy hoạch và là công cụ để kiểm soát đất đai.

– Cần có những quy định cứng đối với những mảng không thể xâm phạm, song cũng cần có những quy định mềm đối với những mảng gắn với sự phát triển kinh tế – xã hội.

– Thời hạn điều chỉnh quy hoạch chi tiết là 3 năm, kể từ ngày quy hoạch chi tiết được phê duyệt là quá dài. Dự báo thì không bao giờ trở thành hiện thực hoàn toàn, cho dù đó có là dự báo của những nhà quy hoạch giỏi nhất.

– Công tác quy hoạch nên đưa ra những mục tiêu mang tính định hướng dựa trên cơ sở dự báo và thực tế sẽ tìm ra lời giải thích và đưa ra các biện pháp điều chỉnh. Nên điều chỉnh quy hoạch chi tiết hàng năm và phân cấp cho chính quyền địa phương thực hiện.

– Suy nghĩ công tác quy hoạch như một hệ thống luôn điều chỉnh sẽ dẫn đến thay đổi đáng kể trong văn hóa trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn.

Quy hoạch đô thị cũng cần tính đến các yếu tố vừa cơ bản và vừa mới phát sinh như:

– Phát triển mở rộng không gian thành vùng đô thị mở rộng. Hiện nay mới chỉ có quy hoạch vùng đô thị mở rộng của thủ đô Hà Nội vàTPHCM song chưa có cơ chế vận hành.

– Phát triển mở rộng thời gian xuyên suốt quá khứ – hiên tại – tương lai. Một mặt chúng ta cần nghiên cứu dưới góc độ lịch sử, “ôn cũ biết mới”, “lấy xưa xét nay”. Một mặt cần dự đoán về tương lai, cho dù những dự đoán này không được chính xác lắm nhưng nhận thức có thể không ngừng phát triển, điều quan trọng là biết thu nhận những nhận thức và quan điểm đúng đắn dù cho chúng còn phiến diện.

– Quy hoạch vì tính hài hòa xã hội. Cần sử dụng phương pháp quy hoạch có sự tham gia của các bên liên quan bao gồm cả tư nhân, các ngành khác, các ngành công cộng các tổ chức dựa vào cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế. Điều quan trọng là cần liên kết những ảnh hưởng lẫn nhau của các nhóm kinh tế xã hội khác nhau, tăng cường hợp tác hiểu biết và biết nhượng bộ nhau giữa các thành viên trong xã hội. Quy hoạch đô thị cần dựa trên sự nhất trí lẫn nhau và bình đẳng trong cộng đồng.

– Quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở kết hợp từ trên xuống và từ dưới lên, với diều kiện phải đáp ứng cho phép tạo nên “hệ thống học thích ứng” là kết hợp 2 quan niệm trái ngược.

Điểm mới trong quy hoạch chiến lược hợp nhất:
– Linh hoạt thay vì cứng nhắc.

– Mang tính hành động thay vì lý thuyết.

– Tập trung vào quy trình thay vì sản phẩm.

– Có sự tham gia rộng rãi của cộng đồng và các bên liên quan thay vì ý chí chính trị và quan – điểm chuyên gia thuần túy.

– Tầm nhìn dài hạn thay vì nhiệm kỳ.

– Tính đến toàn cầu hóa thay vì chỉ địa phương.

– Đóng vai trò điều phối và hợp nhất liên ngành trong hoạch định chính sách phát triển và quản lý đô thị thông qua khuyến khích các cơ quan quản lý phối hợp quy hoạch ngành theo không gian.

– Kiến tạo hình thức đô thị hóa mới và hình thái đô thị theo hướng thân thiện với môi trường, bảo vệ tài nguyên và nâng cao chất lượng không gian sống.

Nguyễn Đăng Sơn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị & Phát triển Hạ Tầng

Theo Ashui

___Ban biên tập LSS___