KHI CÁC DOANH NGHIỆP MANG CHUÔNG ĐI ĐÁNH XỨ NGƯỜI
- Từ câu chuyện của Tập đoàn Hòa Bình, các doanh nghiệp xây dựng, doanh nghiệp kiến trúc cảnh quan – sân vườn, tiểu cảnh,… làm gì với thị trường tiềm năng trong lĩnh vực của mình ở các nước trên thế giới?
Bước ra biển lớn không chỉ là thành công của một thương hiệu, mà còn là câu chuyện của một cộng đồng trong lĩnh vực đó.
Các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cần ngồi lại để đánh giá khách quan môi trường thương mại trong và ngoài nước. Từ đó thu thập thêm thông tin về các quỹ đầu tư, gói thầu, chính sách, cơ chế xây dựng của các nước tiềm năng. Để có được điều này cần có sự hợp tác của các Tổ chức, cộng đồng các doanh nghiệp chuyên trách có khả năng kết nối với những cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài. Những mạng lưới các chuyên gia và doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sẽ tạo nên hệ sinh thái nội lực hỗ trợ cho việc phát triển của các doanh nghiệp, hay tập thể các doanh nghiệp Việt Nam khi tiến vào thị trường nước bạn. Doanh nghiệp không chỉ cần trang bị năng lực, thời gian và kiến thức mà còn cần mạnh dạn cạnh tranh trực tiếp với các công ty nước ngoài bởi chúng ta cũng có rất nhiều lợi thế về tập thể, giá thành và lực lượng lao động. Đồng thời các doanh nghiệp cũng cần có các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và ban ngành xây dựng giúp các thương hiệu Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài một cách thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Nhìn từ bài học của các lĩnh vực khác trong quá trình hội nhập quốc tế có thể thấy, không phải chuyển hướng sang thị trường nước ngoài là sẽ thành công, giải thể và các dự án thua lỗ kéo dài không hề hiếm. Vì vậy các doanh nghiệp Kiến trúc Cảnh quan cần có những bước đi chắc chắn và cẩn trọng, lựa chọn thị trường nước ngoài phù hợp với mối quan hệ quốc tế trong ngành nghề, cũng như năng lực, trình độ và điều kiện hiện tại ở Việt Nam. Đây là cơ hội cũng như thách thức cho các doanh nghiệp đang có tư duy và sức ảnh hưởng tốt tại thị trường trong nước, tiếp tục xây dựng nguồn nội lực kinh doanh để bước chân vào thị trường thế giới.
- Hướng phát triển thị trường khi 2024 vẫn còn khó khăn?
Theo Chiến lược phát triển ngành Xây dựng đến năm 2030 vừa được ký vào ngày 16/2 /2024, chúng ta cần đảm bảo nguồn nội lực đối với các công trình đòi hỏi và có quy mô cũng như tăng cường hơn nữa khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường hoạt động ra các nước, tiến đến hội nhập quốc tế.
Sự biến động của ngành Xây dựng trong nước năm vừa qua cho thấy rõ các doanh nghiệp xây dựng nói chung và các doanh nghiệp về lĩnh vực kiến trúc sân vườn nói riêng cần thay đổi định hướng nghiên cứu và có các chủ trương hành động mạnh mẽ hơn nữa vào mũi nhọn thị trường nước ngoài thay vì chỉ tập trung giải bài toán khó trong nước. Khó khăn càng kéo dài ở thị trường nội địa thì càng khẳng định đã đến lúc để chúng ta phải mạnh dạn hoạt động và tìm kiếm nguồn thu từ các hoạt động hội nhập quốc tế. Có thể nói, tiếp cận thị trường nước ngoài là phương pháp hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng Việt Nam nói chung và lĩnh vực Kiến trúc Cảnh quan Việt Nam nói riêng. Đây cũng là giải pháp hợp lý để cung cấp khối lượng lớn việc làm cho các nhân sự lao động chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp của ngành Kiến trúc Cảnh quan, đồng thời giải tỏa sự bão hòa của bất động sản hiện nay.