...

10 Quy Tắc Thiết Kế Cảnh Quan Không Nên Phá Vỡ

Cho dù bạn hướng đến đến một vẻ đẹp tự nhiên hay không gian sống ngoài trời hiện đại, chỉ cần tuân theo những nguyên tắc cơ bản sau đây chắc chắn giá trị thẩm mỹ của chúng sẽ tăng lên gấp bội.

Dù bạn tự hào về khu vườn khi nhìn từ cửa sổ phòng khách, buổi tiệc nướng ngoài trời ngay tại tư gia hay một bãi cỏ rộng lớn nơi đội bóng nhí hay luyện tập vào những dịp cuối tuần, thì không gian ngoại thất của ngôi nhà luôn đặc biệt quan trọng. Lên kế hoạch một cách chính xác cho việc thiết kế khung cảnh ngoài trời – những giá trị cơ bản nhất về mặt thẩm mỹ hay công năng- đều rất cần thiết để giúp bạn có được một cái nhìn đúng đắn và nhận định chính xác về mức độ bảo dưỡng phù hợp với sân vườn nhà mình.

Các gia chủ thường mong muốn tận dụng sân trước và sân sau một cách đa năng nhất, bao gồm mọi thứ từ vườn thảo mộc, phòng mát xa ngoài trời đến hệ thống bếp ăn tiện  nghi phục vụ cho việc giải trí. Mặc dù có rất nhiều sự lựa chọn để hoàn thiện không gian ngoại thất nhưng vẫn có những quy tắc riêng đảm bảo sự chuẩn xác và thành công cho bất kỳ ai.

Dưới đây là 10 nguyên tắc sẽ giúp bạn có được một khu vườn hợp thẩm mỹ và ấm cúng như mong muốn.

1.    Cân nhắc các loại cây phù hợp với thời tiết

Từ các loại cỏ, cây lớn đến cây bụi dọc lối đi, bạn đều có rất nhiều sự lựa chọn để không những làm nổi bật tính thẩm mỹ của ngôi nhà mà còn giúp tăng giá trị của cây trồng khi chúng sinh trưởng tươi tốt trong điều kiện thổ nhưỡng địa phương.

Kris Kiser, chủ tịch và CEO của Học Viện Năng Lượng Thiết Bị Ngoài Trời (the Outdoor Power Equipment Institute) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chọn giống cây trồng và vị trí phù hợp. Như việc tận dụng những lợi ích có được từ cây trồng địa phương để trang trí cho khu vườn và nơi ở, nhất là các loại chịu hạn tốt và phát triển lành tính để không làm ảnh hưởng đến những cây kế cận. Loại cỏ để trồng cũng gắn liền với điều kiện thổ nhưỡng, lựa chọn đúng những giống cỏ phù hợp sẽ giúp thời hạn sống của chúng lâu hơn và tiết kiệm chi phí bảo dưỡng cho chính bạn.

2.    Tránh việc đầu tư các khoảng sân quá nhiều

Không phải gia chủ nào cũng thích một vườn cây rậm rạp sau nhà, cũng dễ hiểu thôi nhưng tốt nhất (và tiết kiệm chi phí nhất) là tổ chức không gian sống ngoài trời hoặc các khỏang sân trong một cách hợp lý và vừa đủ.

Bạn có thể muốn hồ bơi ở đây, một lò sưởi ở sau, một khóm hoa bên cạnh các băng ghế ngồi, nhưng có thể bạn đang “nới rộng” khu vườn và thậm chí cả chi phí xây dựng của mình! Điều này được lý giải bởi Chip Wade, chuyên gia làm vườn được biết đến rộng rãi trên các show trên truyền hình HGTV.
“Giữ lại những thiết kế sát nhất với thực tế ngôi nhà, và chỉ tập trung vào chi phí của nó”, ông nói. “ Điều đó sẽ làm cho sản phẩm cuối cùng trở nên giá trị và hữu ích.” 

Thêm vào đó, quá nhiều lối đi trong sân vườn sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình thoát nước tự nhiên khi trời mưa. Bạn cũng đừng lắp đặt hồ bơi quá lớn, hãy chừa không gian cho cây trồng vì chúng có thể giúp bạn chống ngập úng hiệu quả!

3.    Lên kế hoạch cho việc…mời chuyên gia

Giống như bất kỳ một dự án cá nhân nào, bạn cần nhận thức được giới hạn chi phí và dự trù nơi nào cần cải tạo, chỗ nào cần nâng cấp cũng như cũng như các giấy tờ xin phép để công việc được hoàn thiện một cách tốt nhất. Lên lịch hẹn với các kiến trúc sư hay kỹ sư cảnh quan ít nhất vài tháng trước thời điểm bạn muốn khởi công bởi một số công ty cảnh quan có thể kín lịch đến gần 2 tháng.

4.    Nắm rõ được giới hạn bảo trì – bảo dưỡng

Khi bạn tự thiết kế một không gian ngoài trời và cho chúng phát triển theo kiểu tự nhiên, bạn cần phải cân nhắc kỹ thời gian và công sức bạn có thể bỏ ra cho việc thực hiện các chu trình căn bản.

Nếu bạn không giỏi trong việc chăm sóc và bảo dưỡng các loại hoa theo mùa, hãy tìm kiếm những loại cây có thể trồng đi trồng lại quanh năm. Tương tự như vậy, nếu bạn không thấy thích hợp với việc vệ sinh hồ bơi thường xuyên hay dọn dẹp bếp ăn ngòai trời mỗi tuần thì cũng nên cân nhắc về sự có mặt của chúng trong không gian của bạn.

Và tốt nhất nếu bạn không muốn lo nghĩ gì thì hãy tìm đến các dịch vụ chăm sóc và bảo dưỡng chuyên nghiệp cho sân vườn.

5.    Vun trồng và sục khí cho bãi cỏ một cách thích hợp

Giữ cho cỏ sinh trưởng tươi tốt là điều không hề đơn giản, do đó việc tích cực chăm sóc là cực kỳ quan trọng để gíup các bãi cỏ được xanh mướt quanh năm.

Trong đó quan trọng nhất là rải mầm và sục khí một lần một năm, thường là vào mùa xuân.Chúng sẽ giúp mở rộng diện tích và tạo khoảng trống cho cỏ mọc cứng cáp hơn.

Nếu bạn dự định dùng bãi cỏ làm khu vực sinh hoạt vui chơi hoặc thi đấu thể thao thì hãy lặp lại toàn bộ quá trình vào mùa thu.

Các công tác chăm sóc và bảo dưỡng đều đặn chính là giải pháp để giữ cho cỏ trở nên khỏe mạnh hơn. Bón phân kết hợp với hệ thống tưới và cắt cỏ định kỳ là công thức tốt nhất cho những bãi cỏ trong vườn- vẻ đẹp của chúng sẽ khiến bạn cảm thấy tự hào!

6.    Nắm rõ các quy định bắt buộc trong khu vực

Khi bạn lên kế hoạch cho việc thiết kế hồ bơi, khoảng sân trong hay bếp ngoài trời, hãy đọc lại quy định trong khu vực và những điều khoản bắt buộc của cộng đồng dân cư (dĩ nhiên nếu bạn là thành viên trong đó) để đảm bảo phương án của bạn nằm trong giới hạn cho phép. Bên cạnh đó bạn cũng cần biết một số dự án cần được cấp giấy phép trước khi tiến hành xây dựng.

7.    Đảm bảo nền đất không nghiêng về phía công trình

Đừng để các bề mặt như sân, đường nghiêng về phía nền nhà, nhất là vào mùa mưa. Nếu không chúng sẽ trở thành mối nguy cho việc thoát nước khi mọi thứ có thể tràn vào nhà bạn bất cứ lúc nào. Đây lại là vấn đề rất thường thấy khi bạn giao dự án cho một nhà thầu thiếu kinh nghiệm.

Bạn nên có những phương án dự phòng cho những trường hợp nhà thầu cố tình “ăn bớt” phần nào đó của công trình. Đừng để đến khi nhận công trình chúng ta mới phát hiện những vũng nước khổng lồ ở tầng trệt chỉ vì mặt dốc định vị sai hướng.

8.    Chú ý đến bóng râm khi lên kế hoạch thiết kế

Từ thiết kế đến thi công, một khi đã lựa chọn lựa vị trí cho cây trồng thì bạn cũng cần chú ý đến việc định hướng ánh sáng khu vườn. Nếu bạn đặt cây ưa bóng râm ở nơi nắng chiếu cả ngày, chắc chắn nó sẽ không thể tồn tại và ngược lại.

Có thể bạn chưa biết, hầu hết chi phí tốn kém của gia chủ là khi họ để cây trồng dễ dàng chết đi và lại máu chóng thay mới một cách không hợp lý.

9.    Liên lạc với các dịch vụ bảo hiểm nhà cửa.

Trong mọi trường hợp từ việc xây thêm nhà kho, hồ bơi đến khu vực bếp ăn ngoài trời, tốt nhất bạn hãy liên lạc với công ty bảo hiểm uy tín. Nếu bạn thêm vào ngôi nhà bất kỳ thành phần nào có thể làm tăng giá trị của chúng, nên hỏi các tư vấn viên xem bạn có cần mua thêm bảo hiểm cho tài sản của bạn không.

Mặc dù những giá trị này sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm của bạn, và bạn chọn giải pháp khác là không chi trả cho những khoản bảo hiểm phát sinh. Nhưng nếu tệ hơn, một khoản phát sinh không được tính vào có thể làm cho toàn bộ những khoản bảo hiểm khác đứng trước nguy cơ may rủi, nhất là khi bạn cần đề xuất giấy tờ để xin đền bù các khoản thiệt hại.

10.    Đừng cố ép buộc bản thân cho những mẫu bố trí sẵn có.

Tháo dỡ một bức tường nội thất có thể rất tốn kém thời gian và tiền bạc, nhưng việc tương tự ở ngoài trời lại đơn giản hơn bạn nghĩ. Khi một bụi cây đã chết đi hoặc quá xấu, hay bỗng dưng bạn không thích kiểu dáng của chúng nữa, đừng ngần ngại thay đổi để có những thứ tốt hơn.

Điều hay ho của việc thiết kế cảnh quan là việc bạn có thể  trồng một thứ khác để thay thế cũng như di chuyển chúng đến vị trí bạn mong muốn.

Bạn vẫn có thể bám theo những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế sân vườn nhưng hãy tin rằng bạn luôn có rất nhiều sự lựa chọn cho màu sắc, kết cấu, và  tổng thể cho đến khi bạn tìm thấy phương án phù hợp nhất với bản thân mình!

___KTS. NGUYỄN HOÀNG – Bộ phận nghiên cứu & phát triển cảnh quan LSS___